Truy cập nội dung luôn
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN LÝ SƠN

 

 

 

Văn hóa - Xã hội Huyện Lý Sơn

 
Giáo Dục
 
Lý Sơn đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Hiện nay, toàn huyện có 01 trường THPT với 950 học sinh, 02 trường THCS, 04 trường tiểu học, 03 trường mầm non . Tổng số học sinh các cấp là 5.380 em, bình quân cứ 03 người dân có 01 người đi học, tỷ lệ tốt nghiệp các cấp hằng năm đạt từ 90 - 100%, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng , trung học chuyên nghiệp bình quân hằng năm đạt từ 30%. 
 
Y Tế
 
Toàn huyện có 01 Trung Tâm Y Tế và 01 Trạm Y Tế Xã. Tổng số giường bệnh là 50 giường, tổng số y Bác Sĩ là 09 người, công suất sử dụng giường bệnh đạt từ 40 – 50%. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên môn từ tuyến huyện đến tuyến xã hiện nay còn thiếu thốn, lạc hậu nên chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.
 
Văn Hóa
 
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 04 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia (Đình làng An Hải, Chù Hang, Âm Linh Tự và mộ lính Hoàng sa, Đình làng An Vĩnh), 01 bằng chứng nhận lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là di tích thi vật thể Quốc gia và 06 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (Lăng cá ông, Dinh bà Thiên Y-A-NA, Dinh Tam Toà, Nhà thờ Phạm Quang Ảnh, Lăng Chánh, Nhà thờ Võ Văn Khiết). Ngoài ra ở Lý Sơn còn có các đình, miếu, dinh, chùa, giếng Vua (giếng Gia Long), các danh lam thắng cảnh khác như Hang Câu, Cổng Tò Vò, Hòn Đụn, ...
Đặc biệt, trong lòng đất Lý Sơn còn ẩn chứa nhiều di chỉ Văn Hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa đã được các nhà khảo cổ học khai quật. Ngoài ra Lý Sơn còn lưu giữ nhiều lễ hội như: Lễ cầu siêu, Lễ tế Thanh Minh,  Lễ hội đua thuyền, các trò chơi dân gian, đặc biệt là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Bên cạnh đó thì ẩm thực cũng là một trong những nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của Lý Sơn với các loại rượu vú (hải sâm), ốc, mực, tôm, cua, cá,… Đây là những nguồn tài nguyên rất có giá trị cho việc nghiên cứu văn hóa lịch sử và phát huy tiềm năng du lịch ở Lý Sơn.
Công Nghệ Thông Tin (Internet) còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn có 12 dịch vụ Internet tư nhân đang hoạt động và có khoảng 300 máy vi tính, các đơn vị hành chính có khoảng 200 máy, trong đó có khoảng 135 máy kết nối mạng Internet, bình quân có khoảng 3,6 cán bộ công chức/01 máy.
 
Thông tin liên lạc
Toàn huyện hiện có 3,502 thuê bao điện thoại cố định và khoảng 325 thuê bao điện thoại di động, đã phủ sóng 03 mạng điện thoại: Vinaphone, Mobiphone, Viettel.
 
Lao Động Thương Binh Xã Hội
Toàn huyện có 52 Liệt Sĩ, 38 Thương Bệnh Binh, 01 Mẹ Việt Nam Anh Hùng, 322 gia đình có công với Cách Mạng. Công tác chăm sóc gia đình Thương Binh Liệt Sĩ, gia đình có công với Cách Mạng luôn được quan tâm đúng mức.
 
Dân Cư Và Nguồn Lao Động
 
 
Dân Cư
Dân số toàn huyện năm 2008 có 20.344 nguời. Toàn bộ dân số của huyện sống trong khu vực nông thôn. Mật độ dân số trung bình của huyện là 2.042 người/km2. Mật độ các xã trong huyện có sự chênh lệch khá lớn, cao nhất là xã An Vĩnh 2.757 nguời/km2, An Hải 1.635 nguời/km2 và An Bình 696 người/km2. Dân cư phân bố tại các xã phân bố như sau:
+ Xã An Vĩnh có: 11.540 nguời chiếm 56,66%
+ Xã An Hải có: 8.324 nguời chiếm 40,98%
+ Xã An Bình có: 480 người chiếm 2,36%
Toàn huyện hiện có 4.746 hộ gia đình (quy mô trung bình hộ là 4,3 người/hộ), trong đó có 3.748 hộ nông -lâm -ngư nghiệp, chiếm 80%. Trong giai đoạn 2001-2005 dân số trung bình tăng 1.251 nguời với tốc độ tăng bình quân năm là 1,5%.
 
Nguồn Lao Động
Theo số liệu thống kê của huyện, năm 2008 lực lượng lao động của huyện là 10.944 nguời, chiếm 53,79% tổng dân số toàn huyện. Trong đó số người đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân là 9631 nguời bằng 98,7% số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động.
Nhìn chung cơ cấu lao động bắt đầu có sự chuyển dịch:
+ Lao động ngành nông – lâm – ngư nghiệp chiếm chủ yếu và giảm từ 85,6% năm 2000 xuống 80,06% năm 2005, đến năm 2008 còn 77,96%, dự báo đến năm 2010 giảm xuống còn 76,46%.
+ Lao động trong ngành công nghiệp – xây dựng chiếm một phần rất nhỏ và biến động không đều: năm 2000 chiếm 9,2%, đến năm 2005 giảm xuống còn 6,75% và tăng lên 7,3% vào năm 2008, dự báo đến năm 2010 chiếm khoảng 8,82% tổng số lao động trong các ngành kinh tế quốc dân của toàn huyện.
+ Lao động dịch vụ tăng tương đối nhanh từ 5,18% năm 2000 lên 13,19% năm 2005 và đạt 14,69% năm 2008, dự báo đến năm 2010 lao động trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 14,71% tổng số trong các ngành kinh tế quốc dân của huyện.
Đây là một yếu tố thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện bởi vấn đề lao động tại chỗ cơ bản được giải quyết. Bình quân hàng năm huyện giải quyết 200 việc làm mới cho lao động và giải quyết việc làm ổn định cho 1729 lao động. Tuy nhiên, chất lượng lao động cũng là vấn đề lớn đặt ra với huyện khi hiện tại có 87,3% số lao động là lao động phổ thông chưa qua đào tạo và chủ yếu lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
 
Chỉ Tiêu ĐVT 2000 2005 2008 2010
  1. Dân Số
1000 người 18,53 20,03 20,344 21,02
  • Lực Lượng Lao Động
1000 người 10,33 11,05 10,94 12,01
% so với dân số % 55,75 55,17 53,79 57,09
  • Số nguời lao động trong độ tuổi có khả năng lao động
1000 người 9,25 9,9 9,758 10,5
% so với lực lượng lao động % 89,55 89,59 89,16 87,50
  1. Lao động làm việc trong nền kinh tế quốc dân
1000 người 8,68 9,48 9,631 10,2
% so với lực lượng lao động có khả năng lao động % 93,84 95,76 98,70 97,14
  • Nông lâm  thủy sản
1000 người 7,43 7,59 7,508 7,8
  • Công nghiệp,  xây dựng
1000 người 0,8 0,64 0,708 0,9
  • Dịch vụ
1000 người 0,45 1,25 1,415 1,5
  • Cơ Cấu Lao Động
  100 100 100 100
  • Nông lâm thủy sản
% 85,60 80,96 77,96 76,47
  • Công nghiệp, xây dựng
% 9,22 6,75 7,35 8,82
  • Dịch vụ
% 5,18 13,19 14,69 14,71
 
Một số chỉ tiêu về nguồn lao động huyện Lý Sơn 2001-2008 dự báo đến năm 2010

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 865

Tổng số lượt xem: 3821408

Bản quyền © 2014 thuộc Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn | Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: CHÁNH VĂN PHÒNG HUYỆN LÝ SƠN

Điện thoại: 0255. 3867 224; 0255.3867222 - Fax: 055. 3867 676 ; Email: lyson@quangngai.gov.vn

Địa chỉ: Thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử huyện Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi' hoặc 'www.lyson.quangngai.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.