Trang thông tin điện tử

Huyện Lý Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lý Sơn nhìn lại sau 50 năm giải phóng

50 năm sau ngày giải phóng, nhân dân Lý Sơn trải qua vô vàn khó khăn sau cuộc chiến chống đói nghèo lạc hậu. Chuyện cơm ăn, áo mặc, học hành, đi lại của Nhân dân cũng là cuộc chiến không kém phần cam go, thử thách. Kế thừa truyền thống đoàn kết, sáng tạo, khí phách anh hùng trong kháng chiến, Đảng, chính quyền, quân và dân Lý Sơn đã nỗ lực vượt qua tất cả, vững bước đi lên.

Từ sau giải phóng, Lý Sơn là địa phương nghèo, xuất phát điểm thấp; giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ chưa phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, thu nhập bình quân đầu người thấp.

 Nếu như trước kia đời sống người dân khó khăn, không được tiếp cận, sử dụng với các dịch vụ tiện nghi thì từ năm 2014 một bước ngoặc quan trọng cho người dân Lý Sơn là điện lưới quốc gia đã về với đảo, từ đó đến nay người dân đã được tiếp cận với các dịch vụ hiện đại nhất như dịch vụ bưu điện, truyền hình số mặt đất, Wifi, các thiết bị công nghệ cao trong đời sống… góp phần mang lại cuộc sống sung túc, đầy tiện nghi cho người dân.

Với yêu cầu ngày càng phát triển, Huyện đã huy động vốn hàng trăm tỉ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, chợ. Đến nay nhà cửa khang trang, điện, đường trường trạm, đều được đầu tư khang trang, phục vụ tốt nhu cầu đời sống cho người dân huyện đảo, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Ông Lê Nhụ (70 tuổi) trú tại Thôn Tây An Hải chứng kiến Lý Sơn thay đổi từng ngày từ sau ngày giải phóng, vui mừng cho biết: “sau khi giải phóng huyện còn nghèo lắm đường xá khó đi, nhà cửa là nhà tranh vách đất, kinh tế người dân khó khăn, còn bây giờ cơ sở hạ tầng, điện đường, trường trạm được xây dựng khang trang, đặc biệt là Lý Sơn có điện lưới quốc gia, ngành du lịch phát triển, Lý Sơn được quan tâm đầu tư quảng trường, cảng đón khách, đường cơ động, vũng neo đậu tàu thuyền… nên đời sống của người dân được nâng lên, người dân rất vui mừng phấn khởi, tin tưởng huyện Lý Sơn sẽ ngày càng phát triển”.

Cùng chung niềm vui về sự thay đổi vượt bậc của huyện Lý Sơn, Ông Trần Hữu Quang, trú tại Thôn Đông, An Vĩnh phấn khởi chia sẻ: “Bây giờ Lý Sơn ngày càng phát triển, có nhiều công trình, dự án lớn phục vụ tốt cho người dân,người dân ngày càng được thụ hưởng nhiều thành quả của sự quan tâm đầu tư của các cấp, sự nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền huyện qua các thời kỳ. Kỳ vọng Lý Sơn sẽ ngày càng phát triển hơn nữa”.

Với sự lãnh đạo của Huyện uỷ, sự điều hành của chính quyền địa phương qua các thời kỳ. Trong 50 năm qua, kinh tế - xã hội của huyện đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2024 đạt 2.437 tỷ đồng, tăng hơn 24 lần so với năm 1993; tỷ trọng ngành nông nghiệp trong tổng các ngành kinh tế chiếm 41%; thương mại - dịch vụ 46%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 13%. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua từng năm, năm 1993 khoảng 0,195 triệu đồng/người/năm, đến năm 2024 tăng lên 48 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 246,2 lần so với năm 1993. Năm 1993 thu ngân sách trên địa bàn huyện chỉ đạt 162 triệu đồng, đến năm 2024 đạt 17 tỷ đồng, tăng gấp 104,94 lần so với năm 1993.

Ngành nông nghiệp và thủy sản phát triển ổn định, trồng trọt với hai loại cây trồng chủ lực là tỏi và hành, mỗi năm thu hoạch khoảng 2.500 tấn tỏi và 9.450 tấn hành; năm 2024, sản lượng khai thác thủy sản đạt 28.217 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 450 tấn, hiện có 541 phương tiện đánh bắt thủy sản, tổng công suất 85,172CV; tổng giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản năm 2024 đạt 955,7 tỷ đồng, tăng hơn 16 lần so với năm 1993.

Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp những năm đầu thành lập huyện hầu như chưa có gì. Đến nay, đã phát triển được 235 cơ sở sản xuất gồm các nghề: Mộc dân dụng, sản xuất đá lạnh, sản xuất nước đóng chai, chế biến chả cá, chế biến nước mắm, sản xuất cửa nhôm, cửa sắt,... Giá trị sản xuất năm 2024 đạt 384,5 tỷ đồng, tăng hơn 570 lần so với năm 1993.

Đặc thù là đảo, kinh tế biển được xác định là một trong nhữn ngành kinh tế quan trọng của huyện đảo. Từ 193 phương tiện đánh bắt thô sơ, đến nay toàn huyện có trên 540 tàu cá được đầu tư hiện đại, giúp ngư dân an tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Song song với kinh tế biển, du lịch cũng đã khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm năng du lịch từng bước được khai phá và đang phát huy hiệu quả, trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch của tỉnh.

Từ việc huy động tốt các nguồn lực khác nhau, Lý Sơn đã được đầu tư rất lớn để từng bước xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ về du lịch. Nổi bật là đầu tư các tuyến đường giao thông, điện thắp sáng đến các di tích, danh lam thắng cảnh; nâng cấp Cột cờ trên đỉnh núi Thới Lới; phục dựng bộ xương cá ông ở Lăng Tân; Cảng giao thông; Quảng trường Trung tâm huyện; trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa; quan tâm xử lý vấn đề vệ sinh, môi trường, công viên cây xanh...và đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng phát triển du lịch cộng đồng, người dân sẽ là trung tâm của sự phát triển. Đến nay, toàn huyện có hơn 135 cơ sở kinh doanh lưu trú; với trên 1.000 phòng, đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách đến với Lý Sơn. Doanh thu thương mại, dịch vụ năm 2024 đạt 1.097 tỷ đồng, tăng hơn 50 lần so với năm 1993.

Thương mại dịch vụ du lịch chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện. Kinh tế du lịch đã tạo việc làm và thu nhập cho gần 7 nghìn lao động. Lý Sơn đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, là điểm sáng của du lịch Quảng Ngãi.

Kinh tế khởi sắc đi đôi với văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư bài bản, điều kiện phúc lợi xã hội được nâng lên đảng kể. Năm 1994, Trung tâm Y tế Quân - Dân y kết hợp huyện đi vào hoạt động, chỉ có 20 giường bệnh, 02 bác sĩ/1,77 vạn dân, đến nay có 60 giường bệnh, 7 bác sĩ/1 vạn dân, trụ sở Trung tâm Y tế đã được đầu tư mới khang trang và trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Về Giáo dục: Trong những ngày đầu thành lập huyện, ngành giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp. Đến nay, toàn huyện có 03 trường Mầm non, 03 trường Tiểu học, 02 trường Trung học cơ sở và 01 trường Trung học phổ thông, trong đó 8/9 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia.

Cùng với đó, an ninh, quốc phòng được tăng cường và giữ vững ổn định. Đời sống người dân Lý Sơn cả về lẫn vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rệt.

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết:”  trước đây đời sống Nhân dân khó khăn về mọi mặt. Kinh tế của huyện chủ yếu là nông, ngư nghiệp. Hệ thống giao thông chưa được đầu tư chủ yếu là đường đất, đường mòn; chưa có công trình thủy lợi nào đáng kể; trường học, y tế vừa thiếu vừa yếu. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, Tỉnh, Lý Sơn ngày càng được phát triển về mọi mặt, đặc biệt là phát triển du lịch, nằm trong vùng phát triển du lịch năng động của tỉnh. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo có tinh thần đoàn kết một lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây chính là nhân tố quan trọng nhất để Lý Sơn từng bước phát triển kinh tế - xã hội”.

 Nhìn lại sau 50 năm Ngày giải phóng Lý Sơn, Có thể khẳng định rằng, diện mạo huyện Lý Sơn đã “ thay da đổi thịt”, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Những thành tựu đạt được sau 50 năm Ngày giải phóng là nhờ có đường lối đổi mới của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh đã được Đảng bộ huyện quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt vào thực tiễn tình hình của địa phương, phù hợp với nguyện vọng và được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân chính vì vậy đã tạo nên sức bật mạnh mẽ để xây dựng huyện đảo Lý Sơn giàu đẹp – văn minh như ngày hôm nay.


Tác giả: Thu Phương

Tin video

Thông tin tiện ích

Thống kê truy cập

Đang online: 5
Hôm nay: 219
Hôm qua: 320
Năm 2025: 910.334
Tất cả: 913.432