Trang thông tin điện tử

Huyện Lý Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tồn di sản ở Lý Sơn

Trải qua hàng trăm năm, Lý Sơn đã tích hợp và lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể bởi ba dòng văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt. Những năm qua, Lý Sơn đã tích cực huy động nguồn lực để trùng tu, tôn tạo, gìn giữ các di sản. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị.

Chú trọng trùng tu, tôn tạo di tích

Lý Sơn có 6 di tích quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh, 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để bảo tồn, phát huy giá trị di tích, Lý Sơn đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành khảo sát, thống kê thực trạng các di tích, để xây dựng đề án trùng tu, tôn tạo.

Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trùng tu Đình trung thuộc di tích quốc gia Đình làng An Hải, tổng kinh phí 800 triệu đồng. Di tích quốc gia Âm Linh tự cũng đang được trùng tu, tôn tạo với nguồn vốn 3 tỷ đồng, thông qua Qũy hỗ trợ ngư dân.

Ông Trương Đình Thuận, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lý Sơn, cho biết: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản xin chủ trương UBND tỉnh bố trí kinh phí 11 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo Đình làng An Hải, Đình làng An Vĩnh. Đây là hai di tích quốc gia thu hút đông khách tham quan, nghiên cứu, là nơi diễn ra Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm.

Ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh, hàng năm, Lý Sơn đều bố trí 200 triệu đồng để trùng tu, tôn tạo di tích xuống cấp. Năm nay, ngoài hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do bão gây ra tại 5 di tích, Lý Sơn cũng bổ sung 40 triệu đồng để trùng tu lại lăng Vĩnh An, đảo Bé.

Các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, bảo đảm quy mô và giá trị vốn có của di tích, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và phát triển du lịch.

Gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể

Lý Sơn chứa đựng trong mình những lễ hội truyền thống quý giá mà khó có vùng biển nào có được.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và Lễ hội đua thuyền Tứ linh là hai lễ hội dân gian đặc sắc được cư dân đất đảo trân quý, duy trì tổ chức hàng năm qua nhiều thế hệ để tưởng nhớ những bậc tiền hiền đã cất công mở cõi, cắm mốc, khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Hai lễ hội này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào các năm 2013 và 2020.

Hàng năm, hai lễ hội này được tổ chức tại Đình làng An Vĩnh và Đình làng An Hải, Lễ hội đua thuyền Tứ linh còn được tổ chức thuyền xuyên khi có các sự kiện trọng đại của đất nước và địa phương.

Với người dân Lý Sơn, hai di sản này luôn là niềm tự hào, tượng trưng cho truyền thống, bản sắc văn hóa của cư dân đất đảo mà con cháu nhiều đời phải nỗ lực gìn giữ.

 “Là lớp hậu duệ của các vị tiền nhân đã có công bảo vệ chủ quyền đất nước và xây dựng nên các lễ hội, vì thế chúng tôi luôn trân trọng, cố gắng gìn giữ bằng được các di sản cha ông để lại”. Cụ Phạm Thoại Tuyền, huyện Lý Sơn, bày tỏ.

Ngoài di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lý Sơn còn có rất nhiều lễ hội được lưu giữ, tạo nên bản sắc rất riêng trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Lý Sơn, như; lễ dựng cây Nêu ngày tết, lễ cầu ngư, lễ cầu mùa, tạ mùa, hội dồi bòng.

Lý Sơn cũng chú trọng quảng bá truyền thống, bản sắc đến du khách; tuyên truyền, giáo dục để thế hệ trẻ hiểu hơn, sống có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản, từ đó tạo đà cho phát triển du lịch.

Nhờ những di sản quý báu được gìn giữ mà Lý Sơn hôm nay đã trở thành điểm đến của đông đảo du khách.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh, cho biết: Lý Sơn hiện có hơn 40 di tích kiến trúc nghệ thuật, cơ sở tín ngưỡng được kiểm kê và có kế hoạch lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp thẩm quyền công nhận trong thời gian tới. Đây là những tài nguyên nhân văn rất có giá trị phục vụ khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử - văn hóa liên quan đến chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam.

Huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa để xây dựng quy hoạch tổng thể, nhằm từng bước trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị di tích.

“Tăng cường quản lý nhà nước, và tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội truyền thống có thế mạnh của địa phương. Duy trì tổ chức lễ hội truyền thống, và sân khấu hóa lễ hội để đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng và phát triển kinh tế - xã hội”, ông Ninh nói.

Hữu Danh


Tin video

Thống kê truy cập

Đang online: 3
Hôm nay: 63
Hôm qua: 1.386
Năm 2025: 46.605
Tất cả: 47.825