Truy cập nội dung luôn
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN LÝ SƠN

 

 

Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên - Huyện Đảo Lý Sơn

 
 
Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý (tính từ cảng Sa Kỳ ra). Toàn huyện có 02 đảo: Đảo Lớn (còn gọi là Cù Lao Ré) và Đảo Bé (Cù Lao Bờ Bãi), gồm 03 xã: An Vĩnh, An Hải và An Bình (Đảo Bé). Diện tích tự nhiên gần 10km2. Dân số trên 21.000 nguời, có khoảng 60% hộ dân sống bằng nghề biển, 30% hộ dân sống bằng nghề nông (chủ yếu là trồng hành, tỏi, ngô) và 10% hộ dân sống bằng các ngành nghề khác.
 
Lý Sơn nằm trên con đường biển từ Bắc vào Nam và nằm ngay cửa ngõ của Khu Kinh Tế Dung Quất cũng như của cả khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Vị thế này của Lý Sơn đã đưa huyện đảo trở thành đơn vị hành chính tiền tiêu của đất nước, có vai trò đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời có nhiều điều kiện để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.
 
Địa Hình
 
 
Địa hình của Lý Sơn nhình chung tương đối bằng phẳng, không có sông ngòi lớn (chỉ có một số suối nhỏ được hình thành vào mùa mưa) và có độ cao trung bình từ 20-30m so với mực nước biển.
 
Trên địa bàn huyện có 5 hòn núi dạng bát úp được hình thành do hoạt động của núi lửa trong đó cao nhất là núi Thới Lới (169m). Xung quanh các chân núi, địa hình có dạng bậc thềm, độ dốc từ 8° đến 15°. Dạng địa hình nguồn gốc núi lửa chiếm tới 70% diện tích đảo. Theo địa hình thái nguồn gốc được chia thành: sườn vòm núi lửa, sườn họng núi lửa, đáy họng núi lửa và bề mặt lớp phủ bazan. Đây là những đối tượng quan trọng để bố trí các công trình xây dựng, đồng thời là những điểm tham quan thiên nhiên rấn ngoạn mục của các tuyến du lịch biển – đảo Lý Sơn.
 
Nhóm dạng địa hình nguồn gốc biển gồm các dạng: vách mái vòm – bóc mòn, vách mái mòn, bãi biển mài mòn, bãi biễn mài mòn - tích tụ. Bãi biễn mài mòn tích tụ và thềm tích tụ làm thành một đồng bằng bằng phẳng, nghiên thoải, hơi lượn sóng, độ dốc dưới 8°, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp và bố trí dân cư. Đây chính là những vùng tập trung dân cư và là địa bàn sản xuất nông nghiệp trọng điểm của huyện.
 
Địa hình bờ biển của huyện phần lớn là các vách và hốc sóng vỗ bờ tạo nên các hốc hang khá đẹp (Hang Câu, Chùa Hang…) Chính những địa hình vách dốc này đã tạo cho đảo những nét hùng vĩ có giá trị về tham quan, du lịch. Huyện đảo Lý Sơn nằm trên thềm lục địa có độ sâu trung bình dao động 50-60m.
 
Về mặt địa hình là đồng bằng tích tụ - mài mòn nghiên thoải bị chia cắt bởi các máng trũng với độ sâu khác nhau. Điểm sâu nhất trong lãnh thổ huyện là 120m, ở phía Đông. Địa hình đáy biển phân bậc rõ ràng, do vậy có thể sử dụng làm cầu cảng và tổ chức các hoạt động thể thao mạo hiểm trên biển.
 
Khí Hậu
 
 
Lý Sơn chịu tác động chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa trên vùng biển nhiệt đới nóng, ẩm và có chế độ mưa trái mùa (từ tháng VIII – tháng II năm sau). Do Lý Sơn là huyện đảo trên biển Đông, lại có vĩ độ thấp, nên chế độ nắng thuộc loại dồi dào nhất trong hệ thống các đảo ven bờ nước ta với tổng số giờ nắng trung bình năm khoảng 2430,3giờ/năm. Nguồn nhiệt cao và độ nắng lớn trên phạm vi huyện đảo Lý Sơn có thể tiến hành khai tác cho các hoạt động du lịch nghĩ dưỡng quanh năm, đồng thời có thể sử dụng nguồn quang năng này để bố trí các trạm điện mặt trời phục vụ nhu cầu năng lượng của cư dân trên đảo.
 
Huyện đảo Lý Sơn có mùa mưa lệch pha kéo dài từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, lượng mưa tập trung trong mùa mưa khoảng 71%. Tổng lượng mưa khá lớn vào khoảng 2.260 mm/năm. Mùa khô kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8, thời tiết khô và nóng do chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Độ ẩm không khí trung bình trên khu vực huyện đảo khoảng 85%.
 
Tốc độ gió trung bình trên vùng huyện đảo tương đối thấp so với các hải đảo khác, trung bình khoảng 1,5m/s, cao nhất là thời kỳ gió mùa Đông Bắc (tháng X – VI) 5-10m/s, tuy nhiên cũng có lúc lên đến 30-40m/s, chủ yếu trong tháng X. Do vậy việc sử dụng năng lượng gió so với các huyện đảo khác cần được nghiên cứu kỹ để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khí hậu cho phát triển kinh tế - xã hội.
 
Điều kiện khí hậu ở Lý sơn rất phù hợp với các cây đặc sản như hành, tỏi, cho phép phát triển một số loại cây ăn quả như đu đủ, chuối, na, dưa hấu,… và một số loại rau quả xanh. Ngoài ra khí hậu nơi đây cũng thuận lợi cho sức khỏe con nguời nhất là cho các hoạt động du lịch, nghĩ dưỡng, tắm biển…
 
Tài Nguyên Nước
Do địa hình tương đối đơn giản, đồng nhất, ít phân cắt, cộng với việc diện tích đảo nhỏ nên mạng suối trên đảo kém phát triển, chỉ có một số con suối nhỏ chảy tạm thời vào mùa mưa ở phía Nam đảo với lưu lượng rất thấp. Trên đảo chưa có hồ chứa nước ngọt. Đây là khó khăn lớn nhất cho đời sống dân sinh và sản xuất của huyện. Hiện tại, được sự quan tâm của UBND Tỉnh, hồ chứa nước ngọt núi Thới Lới đang được khẩn trương xây dựng để phục vụ nhu cầu của đông đảo nhân dân.
 
 
Tài Nguyên Đất Và Hiện Trạng Sử Dụng Đất
 
 
Thổ Nhưỡng
Theo kết quả điều tra thổ nhưỡng cho thấy huyện đảo Lý Sơn có các loại đấtsau:
 
+ Đất cát bằng ven biển (Cb): có diện tích 42,0ha, chiếm 2,1% diện tích tự nhiên, phân bố viền quanh đảo tiếp giáp với mép ven biển. Loại đất này chủ yếu thích hợp với việc phát triển lâm nghiệp (trồng rừng phòng hộ).
 
+ Đất cát biển (C): có diện tích 110,0ha, chiếm 11,03% diện tích tự nhiên, phần lớn tập trung ở xã An Vĩnh. Diện tích đất này đã được sử dụng chủ yếu làm khu dân cư và cải tạo để sản xuất nông nghiệp.
 
+ Đất nâu đỏ trên đá Bazan (Fk): có diện tích 845,0ha, chiếm 84,76% diện tích tự nhiên. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng của huyện đảo. Trong diện tích này có 558,0ha (chiếm 64,51%) có tầng dày trên 100cm, độ dốc dưới 8º, độ màu mỡ khá, hàm lượng các chất dinh dưỡng từ trung bình trở lên, thích hợp cho phát triển nhiều cây trồng khác nhau.
 
Hiện Trạng Sử Dụng Đất
Tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện là 997ha. Trong đó đất sử dụng được cho nông nghiệp là 579,6ha, chiếm 54% bình quân đất nông nghiệp là 490m2/nguời (thấp nhất trong toàn tỉnh). Đất nông nghiệp Lý Sơn thích hợp cho việc trồng hành, tỏi (có khả năng cho phát triển hành tỏi hàng hóa đặc sản thuộc mô hình sản xuất hiện đại), ngoài ra có thể trồng ngô (đáp ứng được nhu cầu chăn nuôi trên đảo), đậu xanh, mè, dưa hấu và một số cây ăn quả khác như đu đủ, na, chuối… nhưng với quy mô nhỏ chỉ phục vụ cho nhu cầu nhân dân trên đảo khó có khả năng phát triển thành nông sản hàng hóa. Đặc biệt, đất nông nghiệp của Lý Sơn không thể trồng lúa (Lý Sơn là huyện duy nhất của cả tỉnh không trồng lúa).
 
Đối với đất lâm nghiệp, hiện có khoảng 150ha dùng cho việc phát triển lâm nghiệp, chiếm khoảng 15% tổng diện tích của huyện, ngoài ra còn có 180ha đất đồi núi và 75ha đất núi đá không có rừng cây có thể phục vụ việc trồng cây gây rừng. Trong những năm qua huyện đã tích cực chỉ đạo công tác trồng rừng tuy nhiên đến nay mới chỉ phủ xanh dưới 10ha.
 
Theo các tài liệu nghiên cứu, cách đây khoảng trên dưới 100 năm diện tích rừng trên huyện đảo khá lớn, chiếm trên 70% diện tích huyện đảo với hệ thực vật khá phong phú, đa dạng, song do quá trình khai thác của con nguời đến nay diện tích rừng của huyện không còn, tuy nhiên nếu có quy hoạch cụ thể, có đầu tư và có các biện pháp thích hợp, hoàn toàn có thể phục hồi diện tích rừng và có thể đưa vào phục vụ phát triển du lịch sinh thái trên đảo trong những năm tới.
Nhóm đất chưa sử dụng còn khoảng 239ha, chiếm 24% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện, chủ yếu là đất đồi núi trọc, có khả năng phát triển rừng, xây dựng một số công trình thủy lợi và mở rộng các công trình công cộng, phúc lợi…
 
 
Tài Nguyên Biển Và Khả Năng Nuôi Trồng Thủy Sản
 
 
Do được bao bọc xung quanh là biển nên Lý Sơn là huyện có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều so với các huyện khác của tỉnh trong lĩnh vực khai thác sử dụng nguồn tài nguyên biển. Đây là lĩnh vực có thế mạnh nhất của huyện. Theo tài liệu của Viện Nghiên Cứu Biển và Trường Đại Học Thủy Sản Nha Trang, khả năng khai thác hải sản của huyện hàng năm có thể đạt khoảng 28,000 tấn, chiếm gần 30% khả năng khai thác thủy sản của toàn tỉnh. Khả năng nuôi trồng thủy sản tại vùng biển Lý Sơn khá lớn với tổng diện tích có thể phát triển lên tới 250ha.
 
Các điều kiện thủy lý, thủy hóa lý tưởng cho nuôi trồng các loại đặc sản như cá mú, tôm hùm, cua biển… bằng lồng. Vùng triều xã An Hải giáp hòn Mù Cu diện tích khoảng 50ha, kín gió, nồng độ muối >30‰, nhiệt độ nước từ 26-30ºC, mức triều cao nhất 2,5m, thấp nhất 1,2m, nền đáy là cát lẫn sỏi đá, san hô,… có khả năng cải tạo thành hồ nuôi trồng thủy sản thuận lợi. Ngoài ra đặc điểm sinh thái, khí hậu, nguồn nước ở Lý Sơn còn phù hợp cho việc phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản trên cát với diện tích khoảng 20ha ở Hang Câu, vùng Đồng Hộ, trước Ủy Ban Nhân Dân xã An Hải…

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1075

Tổng số lượt xem: 3837382

Bản quyền © 2014 thuộc Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn | Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: CHÁNH VĂN PHÒNG HUYỆN LÝ SƠN

Điện thoại: 0255. 3867 224; 0255.3867222 - Fax: 055. 3867 676 ; Email: lyson@quangngai.gov.vn

Địa chỉ: Thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử huyện Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi' hoặc 'www.lyson.quangngai.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.