Truy cập nội dung luôn
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN LÝ SƠN

Tỏi VietGAP – Hướng đi mới cho tỏi Lý Sơn

24/11/2021 21:10    434

Nhiều nông dân Lý Sơn đã chuyển sang phương thức trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng tỏi theo phương thức này đã mở ra hướng đi mới mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho người dân.

Tỏi VietGAP, hướng đi tất yếu

Nhận thấy việc tiêu thụ tỏi được canh tác theo phương thức truyền thống gặp nhiều khó khăn, nhiều nông dân Lý Sơn đã liên kết với doanh nghiệp trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP để tìm đầu ra ổn định.

Anh Nguyễn Văn Thảo, ở Thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn, một trong số ít nông dân đã liên kết với doanh nghiệp trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Thảo, cho biết: Hai năm tham gia trồng tỏi theo phương thức mới đã giúp anh tiết kiệm khá lớn chi phí đầu tư. Từng đầu tư trên 220 triệu đồng sản xuất 15 sào tỏi, nhưng khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, tiêu thụ tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP, không còn lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và thay cát trắng, đất đỏ bazan mỗi vụ tỏi anh đã tiết kiệm gần 70 triệu đồng, tỏi sau thu hoạch cũng được doanh nghiệp bao tiêu giá ổn định.

Quy trình canh tác chỉ dùng phân chuồng, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, và hạn chế việc thay cát trắng, đất đỏ bazan.

“Trước đây, tỏi sau thu hoạch đều đem ra chợ bán, giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, được mùa thì thương lái ép giá, có khi mất mùa giá cũng chẳng là bao, giờ trồng tỏi VietGAP thì doanh nghiệp bao tiêu nên mình không còn lo đầu ra, tỏi khô từ 45.000 – 50.000 đồng là có lãi rồi”, anh Thảo thổ lộ.

Quy trình liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nông để trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP là không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa. Phương thức này không thay đổi hoàn toàn phương thức canh tác tỏi truyền thống của nông dân, doanh nghiệp chỉ áp dụng phương thức bổ sung dinh dưỡng, làm đất tơi xốp và tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho đất. Quá trình canh tác đều sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Nông dân tham gia vào chuỗi liên kết đều ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ và thực hiện thu hoạch khi tỏi đạt chất lượng.

 “Khâu sản xuất, bảo quản tỏi sau thu hoạch như trước đây thiếu bền vững, giá tỏi bấp bênh kéo dài nhiều năm qua đã cho thấy hệ lụy, tỏi sạch là hướng đi tất yếu để cây tỏi tìm lại giá trị đích thực, có như vậy nông dân mới đưa đến người tiêu dùng sản phẩm tỏi chất lượng, an toàn, kinh tế từ cây tỏi mới bền vững được”, ông Nguyễn Dự, ở Thôn Tây An Hải, huyện Lý Sơn, nói.

Mở rộng diện tích trồng tỏi VietGAP

Hai năm qua, đã có hàng chục nông dân trên đảo tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản và tiêu thụ tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy diện tích không nhiều, chỉ vài ha nhưng cho thấy sự mở đầu của một hướng đi mới cho tỏi Lý Sơn nhiều năm liền khó khăn để nâng cao giá trị.

Tỏi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP chi phí đầu tư thấp, năng suất mỗi sào đạt từ 300kg – 400kg, nhưng giá thành cao gấp 3 – 4 lần so với tỏi trồng theo phương thức truyền thống, hiện tỏi Lý Sơn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đã vào một số siêu thị lớn trên toàn quốc.

Anh Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Sinh, cho biết: Tỏi Lý Sơn nổi tiếng và được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong canh tác khiến người tiêu dùng thông thái có phần e ngại. Để tạo niềm tin người tiêu dùng đối với tỏi Lý Sơn và mang lại lợi ích kinh tế bền vững thì phải chấm dứt tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất và bảo quản tỏi.

Vụ tỏi này chúng tôi đã liên kết với nhà nông sản xuất 20 sào tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm thu hoạch khoảng 8 tấn tỏi khô, tỏi nông dân được bao tiêu cao hơn với giá thị trường từ 5.000 – 10.000 nghìn đồng/kg.

“Nhu cầu sử dụng tỏi VietGAP của người tiêu dùng rất lớn, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích trong những năm tới để đảm bảo cung ứng sản phẩm tỏi sạch cho thị trường”,anh Nhật nói.

Vài năm gần đây, giá tỏi Lý Sơn xuống cực thấp, kể cả chưa có dịch bệnh Covid-19. Chính quyền huyện Lý Sơn đã nỗ lực bảo vệ thương hiệu bằng việc xây dựng và phát triển Chỉ dẫn địa lý và nâng cao giá trị cho đặc sản này.

Tỏi sạch là hướng đi tất yếu. Ngoài một số ít diện tích tỏi đã được nông dân liên kết với doanh nghiệp trên đảo canh tác theo hướng VietGAP, vụ tỏi Đông Xuân này có trên 60 hộ dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản và tiêu thụ tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP. Năng suất ban đầu dự kiến đạt 6 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 15% so với phương thức canh tác truyền thống, đến năm 2025 sẽ có 100ha trong tổng số 325ha diện tích tỏi trên đảo trồng theo hướng VietGAP.

Tỏi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ mở ra hướng đi mới, mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho tỏi Lý Sơn, mà còn góp phần thay đổi tập quán canh tác của người dân trong việc cải tạo, thay thế đất đỏ bazan, cát trắng, giảm tối đa phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, qua đó tiết kiệm chi phí sản xuất, đảm bảo cuộc sống người trồng tỏi, bảo vệ sức khỏe nông dân và cải thiện môi trường sinh thái trên đảo.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Phạm Thị Hương cho biết: Những năm gần đây tỏi Lý Sơn gặp khó khăn về đầu ra, đời sống người trồng tỏi gặp nhiều khó khăn, nhiều vụ tỏi nông dân không bù được chi phí đầu tư. Trồng tỏi sạch để nâng cao giá trị là giải pháp huyện hướng đến trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nhiều đề tài khoa học trồng tỏi theo hướng an toàn sinh trước đó đều thất bại. Huyện tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trồng tỏi sạch để nâng cao giá trị; năm 2022 huyện sẽ bố trí một phần kinh phí để thực hiện trồng tỏi VietGAP trên một phần diện tích đất.

“Hiện có một đề tài khoa học cấp bộ trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP đang được triển khai trong vụ tỏi Đông Xuân này với diện tích 10ha. Đề tài được thực hiện từ năm 2021 – 2024 với kinh phí 11,3 tỷ đồng, huyện rất kỳ vọng, đề tài thành công sẽ thu hút được nhiều nông dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, tiêu thụ tỏi bền vững theo chuỗi giá trị, qua đó nâng cao được thu nhập cho người dân” bà Hương nhấn mạnh.

Hữu Danh

Đến tháng 11/2019
tỉnh Quảng Ngãi đã giải quyết
 
92.48 %
hồ sơ đúng hạn
 
(tự động cập nhật vào lúc
10:48:25, 14/11/2019)
Đến tháng 11/2019
đã trao đổi
 
380,706
văn bản qua mạng
giữa 617 đơn vị
 
(tự động cập nhật vào lúc
14/11/2019, 01:08:31)

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 647

Tổng số lượt xem: 3820962

Bản quyền © 2014 thuộc Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn | Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: CHÁNH VĂN PHÒNG HUYỆN LÝ SƠN

Điện thoại: 0255. 3867 224; 0255.3867222 - Fax: 055. 3867 676 ; Email: lyson@quangngai.gov.vn

Địa chỉ: Thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử huyện Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi' hoặc 'www.lyson.quangngai.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.