Lý Sơn tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
12/05/2023 08:18 1738
Sáng nay 5/5 (nhằm 16/3 âm lịch), Ban khánh tiết Đình làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn cùng các tộc họ làng An Vĩnh tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để tri ân công đức những hùng binh Hoàng Sa Bắc hải năm xưa đã có công cắm mốc, dựng bia chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân đảo Lý Sơn và du khách đã tập trung tại di tích quốc gia Đình làng An Vĩnh để được chứng kiến nghi lễ hết sức đặc biệt của cư dân miền biển Lý Sơn.
Văn tế khao lề thể hiện chân thực về số phận của những người đi lính Hoàng Sa năm xưa.
“Hoàng Sa trời nước mênh mông/người đi thì có mà không thấy về”, “Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa”. "Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây"; "Chiều chiều ra ngóng biển xa/ Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về"...
Những câu ca dao luôn vọng trong tâm khảm bao thế hệ người dân Lý Sơn. Nó như minh chứng cho một điều rằng, biết là “một đi không trở về” nhưng những người con của đất đảo Lý Sơn vẫn xuôi thuyền tiến ra biển mang theo sứ mệnh vua ban để cắm mốc, dựng bia vĩnh hằng về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông Bùi Tá Thanh, Trưởng Ban khánh tiết Đình làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn chia sẻ: “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm là minh chứng khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nghi lễ cũng giáo dục truyền thống yêu nước cho con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển, đảo Việt Nam mà bao thế hệ cha ông Lý Sơn đã không tiếc máu xương gìn giữ".
Trong buổi lễ cũng đã tái hiện lại nghi thức lễ thầy pháp cũng thế lính an vị các vong linh chiến sĩ Hoàng Sa và cấp phát lương cho binh phu trước khi thả thuyền ra biển.
Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn - cúng thế cho người sống để cầu mong bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi lên đường làm nhiệm vụ.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ hội dân gian được bảo tồn, duy trì suốt hơn 400 năm qua. Đây là nghi lễ đã thấm sâu trong tiềm thức người dân, giàu tính nhân văn, từ lâu đã trở thành một biểu tượng minh chứng cho lòng yêu nước, ý thức về chủ quyền lãnh thổ của cha ông thời xa xưa.
Tiếng ốc u được thổi lên từng hồi trầm hùng hiệu lệnh trai tráng trong làng rước mô hình 5 thuyền câu ra biển. Tái hiện lại lễ tiễn đưa các hùng binh Hoàng Sa Bắc hải năm xưa lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Các thuyền câu trực chỉ Hoàng Sa đầy thiêng liêng và tự hào. Con đường mà hơn 400 năm trước, cha ông đã từ đất đảo Lý Sơn vượt biển khơi trên những chiếc thuyền câu đơn sơ, chấp nhận các gian khổ và cả hy sinh, nằm lại Hoàng Sa, Trường Sa trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc.
Sứ mệnh giữ gìn mỗi tấc biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã và đang được hậu duệ binh phu Hoàng Sa Bắc hải tiếp tục nối gót với những hành trình vươn khơi bám biển Hoàng Sa, Trường Sa.
“Ngư dân chúng tôi kiên quyết bám biển giữ Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biển mà cha ông ta ngày xưa đã cắm mốc, dựng bia chủ quyền. Sau Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ngư dân chúng tôi tiếp tục cho tàu trực chỉ Hoàng Sa làm kinh tế và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo bảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ngư dân Trần Công Trí (thôn Đông An Vĩnh, Lý Sơn) quả quyết tại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Sau phần lễ đã diễn ra Hội đua thuyền truyền thống Tứ linh (Long, Lân, Quy Phụng). Trước đây, Hội đua thuyền truyền thống Tứ linh để tuyển chọn những dân binh khỏe mạnh, giỏi nghề đi biển để sung vào đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí, cho biết; Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa mang nhiều ý nghĩa. Là lễ hội khao quân tuyển người thân lên đường làm nhiệm vụ và câu mong bình an cho những binh phu đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ngày trở; đồng thời tưởng nhớ những người đã nằm lại với biển khơi vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
“Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là bằng chứng không thể chối cãi được về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn nhấn mạnh.
Tin liên quan
- Lý Sơn khai mạc chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao kích cầu du lịch năm 2023
- Lý Sơn trưng bày tư liệu, hiện vật, hình ảnh “Lý Sơn – Di sản văn hóa biển, đảo”
- Phát triển Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển-đảo
- Lý Sơn Hội nghị tổng kết công tác phát triển du lịch năm 2022
- Nhà trưng bày bộ xương cá Ông ở đảo Lý Sơn hấp dẫn du khách
- Lý Sơn tổ chức giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi
- Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
- Khai trương tuyến đường thủy từ Đà Nẵng ra Lý Sơn cơ hội cho du lịch Lý Sơn phát triển
- Xây dựng cơ sở dữ liệu 4D phục vụ phát triển du lịch Lý Sơn
- Lý Sơn tổ chức Hội đua thuyền truyền thống mừng Đảng, mừng xuân Nhâm Dần