Trang thông tin điện tử

Huyện Lý Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Ngày 20 tháng 02 năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch số 72/2025/NQLT/UBTVQH15-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Theo đó, Nghị quyết này quy định về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; giải quyết, trả lời và giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

Việc tiếp xúc cử tri phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiếp xúc cử tri; bảo đảm dân chủ, bình đẳng, khách quan, công khai minh bạch, hiệu quả; phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, của cử tri và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ở trung ương, địa phương; việc tập hợp, tổng hợp, tiếp thu, ghi nhận, giải trình, trả lời kiến nghị của cử tri phải bảo đảm ngắn gọn, trung thực, chính xác, khách quan, kịp thời; không lợi dụng hoạt động tiếp xúc cử tri để tuyên truyền trái chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân; không làm cản trở, gây khó khăn đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tiếp xúc cử tri; không gây mất an ninh, trật tự tại nơi tiếp xúc cử tri; không lợi dụng hoạt động tiếp xúc cử tri để vận động tài trợ, quyên góp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân mình hoặc tác động, gây ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức, cá nhân để trục lợi; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương.

Theo Nghị quyết liên tịch, hoạt động tiếp xúc cử tri bao gồm tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp thường lệ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; tiếp xúc cử tri định kỳ sau kỳ họp thường lệ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp bất thường của Quốc hội, kỳ họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất của Hội đồng nhân dân; tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đại biểu Quốc hội ứng cử hoặc chuyển sinh hoạt đến; tiếp xúc cử tri ngoài đơn vị bầu cử của đại biểu Hội đồng nhân dân; tiếp xúc cử tri nơi cư trú của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tiếp xúc cử tri nơi làm việc của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực và tiếp xúc cử tri theo đối tượng.

Đối với tiếp xúc tri theo chuyên đề, lĩnh vực, Nghị quyết liên tịch quy định:

Căn cứ chương trình, nội dung kỳ họp Quốc hội, các dự án luật, nghị quyết, các báo cáo và các dự án khác mà Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Căn cứ chương trình, nội dung kỳ họp Hội đồng nhân dân, tình hình thực tiễn, Thường trực Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri theo chuyên đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri quan tâm.

Cử tri tham gia tiếp xúc là chuyên gia, nhà nghiên cứu, người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, những người có liên quan về chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu cần trao đổi, lấy ý kiến, kiến nghị.

Theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, bộ phận giúp việc Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm chuẩn bị nội dung, tài liệu và những vấn đề cần lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri; liên hệ với Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có liên quan đến yêu cầu của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân để tổ chức tiếp xúc cử tri.

Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo, tạo điều kiện để cử tri tham dự, góp ý kiến, kiến nghị với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tại hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có thể lựa chọn nội dung để báo cáo, trao đổi với cử tri, gợi mở những vấn đề mình quan tâm tìm hiểu để cử tri tham gia ý kiến.

Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, bộ phận giúp việc Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm ghi biên bản tiếp xúc cử tri.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27 tháng 9 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Nghị quyết số 753/2005/UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân./.


Tác giả: BBT

Tin video

Thông tin tiện ích

Thống kê truy cập

Đang online: 1
Hôm nay: 212
Hôm qua: 316
Năm 2025: 910.062
Tất cả: 913.159