Trang thông tin điện tử

Huyện Lý Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lý Sơn phát triển sản phẩm OCOP

Đảo Lý Sơn, vùng đất vùng đất hình thành nhiều đặc sản nổi tiếng. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, đến nay nhiều sản phẩm đặc trưng của đất đảo được chứng nhận OCOP cấp tỉnh và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Xây dựng sản phẩm OCOP từ tỏi Lý Sơn

Thực hiện chương trình OCOP, trong những năm qua huyện Lý Sơn tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả từ Chương trình OCOP mang lại. Trên cơ sở đó định hướng xây dựng sản phẩm OCOP từ nông sản đặc trưng.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phú Sinh là một trong những doanh nghiệp trên đảo rất chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm OCOP.

Với mong muốn sản phẩm làm ra được công nhận và gắn sao để nâng tầm, Phú Sinh đã liên kết cùng 100 hộ nông dân canh tác tỏi theo tiêu chuẩn VietGap trên diện tích 50ha.

Bên cạnh việc chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, Phú Sinh đã đầu tư đồng bộ cở vật chất, máy móc lên men tỏi đen theo công nghệ Nhật Bản. Với quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm của Phú Sinh được kiểm định nghiêm ngặt và đánh giá phân hạng và gắn sao cấp tỉnh. Đến nay, Phú Sinh đã có 4 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao cấp tỉnh gồm; cao tỏi đen, rượu tỏi đen, tỏi đen cô đơn và tỏi đen nhiều nhánh.

“Tham gia Chương trình OCOP chúng tôi sớm xác định, điểm mấu chốt quyết định đó là chất lượng sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng vùng nguyên liệu tỏi đảm bảo tiêu chuẩn để phát triển sản phẩm OCOP bền vững, đồng thời nâng cấp ISO để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và tiếp tục nghiên cứu sáng tạo sản phẩm OCOP từ tỏi Lý Sơn”, anh Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phú Sinh, nói.

Lý Sơn, có trên 335ha đất trồng tỏi, mỗi năm cung ứng trên 2 nghìn tấn ra thị trường. Đất đỏ bazan và cát biển từ vụn vỡ san hô đã tạo nên thương hiệu hành, tỏi. Lý Sơn đã khai thác lợi thế này để xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng xác định, để xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP cần đầu tư bài bản từ sản xuất đến tiêu thụ và lựa chọn sản phẩm đặc trưng, tỏi là sản phẩm tiềm năng và lợi thế được lựa chọn lên ý tưởng xây dựng sản phẩm OCOP.

OLVIS Việt Nam ở huyện đảo Lý Sơn không ngừng sáng tạo nên những sản phẩm OCOP từ tỏi Lý Sơn. Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm tỏi, OLVIS Việt Nam đã sản xuất thành công các dòng sản phẩm từ tỏi Lý Sơn như; tỏi đen, cao tỏi đen, rượu tỏi đen, giấm tỏi mật ong, bột tỏi….

Để có được sản phẩm tốt tham gia Chương trình OCOP, OLVIS Việt Nam đã liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu sạch đảm bảo trồng theo quy trình VietGAP, đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sản xuất, chế biến các dòng sản phẩm từ tỏi và hướng đến sản phẩm OCOP.

Từ sự hướng dẫn, hỗ trợ của các ngành chuyên môn và sự nỗ lực không ngừng, OLVIS Việt Nam đã có 3 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm tỏi đen, tỏi mật ong và giấm tỏi mật ong.

Anh Ngô Hoài Phương, Giám đốc OLVIS Việt Nam chia sẻ: “Tham gia Chương trình OCOP đã giúp ích cho OLVIS Việt Nam mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu. Các dòng sản phẩm tỏi Lý Sơn được chứng nhận OCOP giúp khách hàng tin tưởng hơn nguồn gốc, xuất xứ, qua đó giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cập người tiêu dùng và nâng cao được giá trị”.

Để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, những năm qua, Lý Sơn đã ưu tiên các ý tưởng sản phẩm được đa dạng từ tỏi Lý Sơn, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thoàn thiện hộ sơ và tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh theo đúng kế hoạch.

Đến nay, Lý Sơn đã có 12 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm; tỏi đen, rượu tỏi đen, tỏi ngâm mật ong, giấm tỏi mật ong, chả cá và hành phi.

Kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP

Với 12 sản phẩm được công nhận và gắn sao, huyện Lý Sơn không ngừng hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP nâng cấp chất lượng, tập trung vào đổi mới cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật, cải tiến bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, cũng như xây dựng các vùng nguyên liệu và thực hiện mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hoạt động quảng bá, kết nối cung – cầu, giới thiệu sản phẩn OCOP được huyện Lý Sơn triển khai mạnh mẽ. Lý Sơn đã khuyến khích và hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh sản phẩm OCOP của địa phương; đồng thời mở các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP đến với khách du lịch.

Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, các chủ thể đã kết nối cung cầu sản phẩm OCOP thường niên ở các thị trường lớn như; Hà Nội, Đà Nẵng, thành Phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam…. và đang hướng đến xuất khẩu nước ngoài. Đặc biệt, các chủ thể đã mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử cũng như trong các chuỗi siêu thị lớn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Đặng Tấn Thành, cho biết; nhằm phát huy giá trị các sản phẩm OCOP, huyện  đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia các sàn giao dịch kết nối cung cầu, triển lãm hội chợ trong và ngoài tỉnh. Thúc đẩy xây dựng các sự kiện giới thiệu, kết nối và phân phối sản phẩm gắn với hình thức giỏ quà Tết.

“Mục tiêu của huyện là tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến việc nâng hạng cho các sản phẩm OCOP và phát triển các sản phẩm OCOP có thế mạnh của địa phương; đồng thời tăng cường kết nối để sản phẩm OCOP của huyện ngày càng mở rộng thị trường, được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Thành nhấn mạnh.

BOX: Lý Sơn đặt mục tiêu năm 2023 phát triển thêm từ 10 – 12 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Để thực hiện mục tiêu này, UBND huyện Lý Sơn chỉ đạo phòng Kinh tế và Hạ tầng Nông thông tuyên truyền, hướng dẫn các tổ hợp tác, hợp tác xã và các cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp đăng ký tham gia OCOP với các sản phẩm có nguồn gốc từ hành, tỏi, các sản phẩm đặc trưng Lý Sơn.

Hữu Danh


Tin video

Thống kê truy cập

Đang online: 16
Hôm nay: 131
Hôm qua: 1.405
Năm 2025: 47.078
Tất cả: 48.301