HỘI THẢO SẢN XUẤT BẢO QUẢN VÀ CHẾ BIẾN TỎI LÝ SƠN THEO CHUỖI GIÁ TRỊ TẠI HUYỆN LÝ SƠN
Sau 36 tháng triển khai nghiên cứu, các đơn vị tham gia đề tài đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu các yếu tố đặc thù về lý, hóa, sinh học đất trồng và sâu bệnh hại tỏi tại huyện Lý Sơn. Từ đó có được cơ sở để tác động những biện pháp kỹ thuật đến việc trồng tỏi tại Lý Sơn. Xây dựng mô hình sản xuất tỏi Lý Sơn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10 hecta, đạt yêu cầu đề tài đặt ra. Năng suất tỏi đạt 63,4 tạ/hecta, doanh thu đạt 760 triệu đồng/hecta, từ đó lợi nhuận đạt hơn 307 triệu đồng/hecta.
Đồng thời, xây dựng bộ quy trình hoàn chỉnh cho tỏi Lý Sơn từ canh tác đến bảo quản và chế biến sản phẩm, phát huy được những ưu điểm và khắc phục được nững hạn chế trong sản xuất và bảo quản. Nâng cao giá trị của tỏi Lý Sơn từ việc chế biến ra được các sản phẩm đặc trưng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng như Tỏi đen, Nước uống tỏi đen mật ong, Bột tỏi và Paste tỏi. Đào tạo được 10 kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn 200 nông dân về quy trình canh tác tỏi Lý Sơn theo tiêu chuẩn VietGAP. Góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên nhờ việc hạn chế thay đất đỏ bazan và thay cát san hô.
Kỹ sư PHAN SƠN - Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín cho biết: đối với đề tài này sẽ giúp người trồng tỏi ở Lý Sơn tháo gỡ được những khó khăn trong lĩnh vực canh tác, chăm sóc cũng như nâng cao giá trị tỏi Lý Sơn từ một sản phẩm thông thường trở thành những sản phẩm có giá trị cao hơn so vứi lối sản xuất truyền thống trước đây.
Đề tài Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến tỏi Lý Sơn bền vững theo chuỗi giá trị” còn góp phần hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí trên đảo Lý Sơn. Xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa Doanh nghiệp - nông dân – địa phương trong sản xuất và tiêu thụ tỏi tại Lý Sơn, tạo mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chế biến.
Đình Nhựt