Tập trung xây dựng Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch quốc gia
Được hình thành từ hoạt động kiến tạo địa chất núi lửa phun trào, các yếu tố tự nhiên đã tạo cho Lý Sơn tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú. Với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, địa mạo, địa chất độc đáo như: Cổng Tò Vò, Chùa Hang, Hang Câu, miệng núi lửa Giếng Tiền, miệng núi lửa Thới Lới,... Hệ sinh thái biển đa dạng, đặc sắc với nhiều rạn san hô đẹp nguyên sơ, năm 2019 Lý Sơn được bình chọn nằm trong top 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam.
Bên cạnh những tài nguyên du lịch tự nhiên, Lý Sơn còn là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hoá, nơi những hùng binh của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải từ hàng trăm năm trước dong thuyền ra biển xác lập và thực thi chủ quyền trên 02 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Cùng với đó là hơn 50 di tích lịch sử, văn hóa gồm: 06 di tích cấp quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh, 02 di chỉ khảo cổ đó là khảo cổ học Xóm Ốc và khảo cổ Suối Chình. Những lễ hội truyền thống quý giá mà khó có vùng biển nào có được như: Lễ cầu ngư, Hội dồi bòng, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ ra quân đánh bắt đầu năm,... Trong đó, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và Lễ hội đua thuyền Tứ linh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đặc biệt, hành, tỏi Lý Sơn có hương vị thơm, ngon. Lý Sơn được du khách mệnh danh là “Vương quốc tỏi”. Tháng 6/2020, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho tỏi Lý Sơn. Hiện nay, huyện đã xây dựng được các sản phẩm OCOP từ hành, tỏi như rượu tỏi, rượu tỏi đen,...
Những năm qua, ngành Du lịch Lý Sơn đã thu hút khách đến quanh năm với các loại hình du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng biển - đảo, đem lại lợi ích đáng kể cho tỉnh Quảng Ngãi nói chung và huyện Lý Sơn nói riêng. Lượng khách du lịch đến với Lý Sơn tăng đều qua từng năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, nhất là hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện cũng được đầu tư, phát triển. Chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng nâng lên rõ rệt và tỷ trọng ngành du lịch chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện.
Tính đến nay, toàn huyện có 130 cơ sở lưu trú, trong đó có 17 khách sạn, 53 nhà nghỉ, 55 homestay, 05 nhà trọ với tổng số hơn 1 ngàn phòng, từng bước đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách, phát triển du lịch tạo việc làm và thu nhập cho khoảng gần 2.000 lao động trực tiếp và khoảng 5.000 lao động gián tiếp. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống, đem lại nguồn thu cho người dân và ngân sách địa phương.
Mặc dù du lịch đã có nhiều thành tựu và đóng góp quan trọng trong sự phát triển của huyện nhưng Lý Sơn vẫn còn những “điểm nghẽn”, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện. Đó là, hạ tầng du lịch đầu tư chưa đồng bộ; sản phẩm du lịch còn khiêm tốn; đi kèm với phát triển du lịch cũng phát sinh nhiều vấn đề về môi trường, suy giảm nguồn nước ngọt; nguy cơ phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Đặc biệt là chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực lao động trong lĩnh vực du lịch còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp; công tác quy hoạch phát triển du lịch chưa rõ nét,… nên chưa tận dụng và khai thác hết nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Bám sát Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ; Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi đến năm 2045, tỉnh Quảng Ngãi đang xây dựng dự thảo Đề cương Đề án phát triển huyện đảo Lý Sơn thành Trung tâm du lịch biển - đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt qui hoạch 1/2000 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai trong thời gian tới.
Năm 2023, huyện đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND, ngày 13/02/2023 của UBND huyện về việc triển khai công tác phát triển du lịch huyện Lý Sơn năm 2023; Kế hoạch số 36/KH-UBND, ngày 23/02/2023 của UBND huyện về việc tổ chức các chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao kích cầu du lịch năm 2023 nhằm tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển du lịch Lý Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó trọng tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch; tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư và liên kết, hợp tác phát triển du lịch; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng; phát triển các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể,… đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng.
UBND huyện đã ban hành Quyết định 2274/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Lý Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó có danh mục dự án huy động nguồn vốn đầu tư dự án ngoài ngân sách nhà nước phát triển du lịch đến năm 2030 nhằm tập trung nguồn lực cho sự bứt phá của huyện.
Cụ thể, Lý Sơn kêu gọi đầu tư các dự án lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng nhằm phát triển hướng tới đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch của địa phương như: Dự án cáp treo từ đảo Lớn sang đảo Bé; dịch vụ vui chơi, giải trí tại đảo Bé, dự án xây dựng sân bay; hệ thống đường sát quanh đảo; khu du lịch sinh thái Núi Giếng Tiền và Núi Thới Lới; mô hình du lịch cộng đồng trồng cây nông sản kiểu mẫu phục vụ khách du lịch,…Đồng thời, chú trọng kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể dục thể thao, các công trình phúc lợi xã hội như: Dự án cung cấp nước ngọt cho An Hải; đầu tư hệ thống xử lý rác công nghệ tiên tiến (đảo Lớn, đảo Bé); dự án đầu tư, xây dựng trung tâm tổ chức hội nghị, hội thảo, thi đấu thể thao quy mô lớn; trường đua thuyền truyền thống Tứ linh; dự án điện cáp ngầm từ đảo Lớn sang đảo Bé,…./.
Văn Mịnh