LÝ SƠN: PHÁT TRIỂN KINH TẾ LẤY DU LỊCH LÀM TRUNG TÂM
Như một cơ duyên của đất trời, không phải "Thiên Ấn Niêm Hà" hay "La Hà Thạch Trận", mà là Lý Sơn, Bắc vượt Dốc Sỏi, Nam thoát Bình Đê, ra khỏi cương vực địa lý của nền văn minh sông Trà trở thành thương hiệu cho xứ địa linh, nhân kiệt này. Nói đến Quảng Ngãi, người ta nghĩ đến Lý Sơn. Nói đến Quảng Ngãi, người ta liên tưởng ngay đến bí ẩn nơi đảo thiêng. Với ba mươi điểm di sản địa chất và văn hóa đan xen và tích hợp lẫn nhau, Lý Sơn mê hoặc lòng người bởi Vách Hang Câu, miệng Giếng Tiền, núi Thới Lới như thể dẫn dụ du khách lạc vào bảo tàng tự nhiên của lớp vỏ trái đất cách đây từ vài ngàn năm đến hàng chục triệu năm, thời điểm có lẽ biển không giống như bây giờ, mà tiến, thoái kỳ ảo. Lý Sơn không chỉ là bí ẩn của đội hùng binh năm xưa vâng mệnh các vua, chúa thời Nguyễn quyết dứt áo ra đi, một đi không trở lại để bảo vệ biên cương của tổ quốc, mà còn là bí ẩn của lớp cư dân bản địa từng sinh sống trên đảo từ hai đến ba ngàn năm về trước: Cư dân văn hóa Sa Huỳnh, lưu vết tại các di chỉ khảo cổ Xóm Ốc và Suối Chình. Hòn đảo thiêng này còn là bí ẩn của những rạn san hô, nổi và chìm, của san hô hóa thạch hình cối xay, của các miệng núi lửa nằm sâu trong lòng biển, của cổng tò vò trên cạn và dưới nước, bí ẩn của những phương thức canh tác độc đáo tạo nên một vương quốc tỏi giữa đại dương bao la.
Từ những nét khái quát mang tính định danh như trên về một Lý Sơn mê hoặc lòng người, hắn khó ai có thể đưa ra các luận cứ thuyết phục để phản biện chủ trương lấy hòn đảo thiêng này làm hạt nhân phát triển du lịch. Dù vậy, hãy bắt đầu từ những sự lựa chọn phi du lịch khác.
Thoạt tiên, sao không phải là đánh bắt hải sản?
Là một hòn đảo nằm giữa đại dương bốn bề mây nước, hẳn không mấy ai nghi ngờ về một truyền thống đánh bắt thủy hải sản của cư dân địa phương. Quả thật, đánh bắt và khai thác các sản vật trên biển không rõ từ khi nào đã trở thành ngành nghề quan trọng nhất, duy trì sự tồn tại và phát triển của dân đảo. Các dấu vết ghi nhận lại được về một nền văn hóa qua các cuộc khai quật khảo cổ học cho thấy: Lý Sơn sở hữu hai di chỉ khảo cổ quan trọng của nền văn hóa Sa Huỳnh (Di chỉ Xóm Ốc và di chỉ Suối Chình). Một trong bốn thành tựu quan trọng nhất của cư dân văn hóa Sa Huỳnh là kỹ năng đi biển. Có thể nói, đi biển, đánh bắt, khai thác sản vật trên biển từ lâu đã là một đặc điểm di truyền của cư dân trên đảo. Đến thời chúa Nguyễn, các dân phu, binh phu được phái ra Hoàng Sa, Trường Sa ngoài việc cắm bia, dựng mốc chủ quyền, còn được giao nhiệm vụ khai thác các sản vật trên biển. Vào những năm chín mươi của thế kỷ trước, Lý Sơn đã sở hữu hàng trăm phương tiện đánh bắt với các hình thức lưới cước, lưới trủ, lưới ru, vây ngày, vây đêm, rút chì v.v..., tổng sản lượng đánh bắt có năm đạt xấp xỉ 1/3 tổng sản lượng khai thác của toàn tỉnh, quyết định sinh kế cho trên 50% cư dân trên đảo.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc đánh bắt, hành nghề truyền thống của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên là những thách thức nội sinh. Do khai thác thác, đánh bắt ồ ạt, sử dụng nhiều phương thức đánh bắt có tính chất tận thu, thậm chí có những trường hợp sử dụng đến cả những phương pháp tận diệt, các nguồn lợi thủy sản đã cạn kiệt. Cá, tôm và các loài thủy tộc dạt đi lánh nạn, để lại biển cả, đại dương những tháng năm "bạc đầu thương nhớ". Bên cạnh những hệ quả "mình làm, mình chịu" do một thời khai thác bừa bãi, tận diệt, từ mươi năm đổ lại đây, ngư dân Lý Sơn còn đối mặt với một thách thức lớn hơn, nguy hiểm hơn. Những vùng biển mênh mông ngoài Hoàng Sa, Trường Sa, vốn là ngư trường truyền thống mà bà con bao đời khai thác nay bị thế lực ngoại bang ngang nhiên ngăn cản, quấy phá. Phần thì nguồn lợi đã cạn kiệt, phần thì lại phải liên tục lo ứng phó với sự quấy phá, gây rối và đe dọa của ngoại bang, truyền thống khai thác, đánh bắt của bà con Lý Sơn dù chắc chắn vẫn trường tồn, song khó có thể giữ vai trò chủ đạo trong cuộc mưu sinh của dân đảo.
Sao không phải là hành, tỏi, nông nghiệp?
Cùng với đi biển, trồng trọt (canh tác nông nghiệp) là đặc điểm nổi bật, đồng thời cũng là phương thức sinh tồn của cư dân văn hóa Sa Huỳnh mà Lý Sơn là một đại diện điển hình cho phức hệ sinh thái-văn hóa biển đảo. Phương thức sinh tồn này tiếp tục được người Chăm-pa và sau này là Đại Việt kế thừa và phát triển. Thật vậy, trong số khoảng hơn một ngàn héc-ta diện tích tự nhiên, đất nông nghiệp chiếm trên 30% (thời cao điểm vào đầu những năm 2000 con số này xấp xỉ 50%). Ngay cả hiện nay, không ai có thể phủ nhận nông nghiệp, đặc biệt là cây hành, cây tỏi, vẫn có ý nghĩa sống còn đối với người dân trên đảo, nhất là khi tỏi Lý Sơn dần dần nổi lên thành thương hiệu quí.
Tuy nhiên, niềm vui này nếu không biết cách nuôi dưỡng sẽ ngắn chẳng tày gang. Cũng như ngư dân, nông dân trên đảo đang đối mặt với muôn vàn thách thức. Đầu tiên là câu chuyện "được mùa mất giá". Đây là câu chuyện không mới, cũng không có tính đặc thù của Lý Sơn, Quảng Ngãi hay Việt Nam. Đây là câu chuyện phổ quát toàn cầu. Không phải bỗng dưng vô cớ, nhiều nước phát triển trên thế giới luôn thực hiện chính sách bảo hộ nông sản và hỗ trợ nông dân. Ở xứ ta cũng không khác, lúc thì giải cứu dưa hấu, khi thì giải cứu thịt heo. Hỗ trợ mua tỏi cho nông dân Lý Sơn cũng không phải là một ngoại lệ. Bên cạnh đó, do hám lợi nhiều tư thương mua tỏi từ nơi khác mang ra Lý Sơn trà trộn với sản phẩm của bà con trên đảo. Thương hiệu, chất lượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Du khách, người tiêu dùng không còn mặn mà với thứ đặc sản mà ai cũng một thời khao khát phải có chút làm quà cho người thân bạn bè mỗi khi rời đảo. Hàng giả là một thách thức mà người nông dân khó có thể tự xử lý. Chưa hết, trong những năm gần đây, chính quyền và cộng đồng dân cư trên đảo liên tục phát đi thông điệp cảnh báo về sự cạn kiệt nguồn nước ngọt kèm theo tai họa xâm nhập mặn. Nước ngọt không còn thì ngay cả sự sinh tồn của cư dân cũng bị đe dọa nói gì đến tưới tiêu, trồng trọt. Theo quan sát thực tế, việc khoan giếng tự phát nhằm lấy nước tưới cho những cánh đồng hành tỏi mới là nguyên nhân chính dẫn đến đến nguồn nước ngầm tụt mạnh, tạo điều kiện cho xâm nhập mặn diễn ra. Và quan trọng nhất, nếu người nông dân trên đảo vẫn chỉ nghĩ và ứng xử với tỏi Lý Sơn như là một nông sản, một thứ gia vị để xào nấu hay giầm mắm, thì có lẽ câu chuyện giá một kilogram tỏi hai mươi ngàn đồng không có gì là khó hiểu. Và như thế với diện tích vài trăm hec-ta, sản lượng vài ngàn tấn một năm thì tỏi Lý Sơn có hay không có chẳng ảnh hưởng gì đến thị trường hàng triệu tấn trên đất nước Việt Nam, chưa kể đến tỏi các nước khác.
Và, sao lại là du lịch?
Du lịch đến với Lý Sơn như một sự lựa chọn tự nhiên, hội đủ các duyên lành gồm những điều kiện cần và đủ của nó. Sự cần thiết phải lấy du lịch làm trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho đảo nổi lên từ những thách thức khó có thể vượt qua của người dân trên đảo trong việc tiếp tục duy trì hai phương thức mưu sinh truyền thống và cốt yếu: Đi biển (đánh bắt) và làm nông, một thời được người dân mô tả đầy hình ảnh như chân phải và chân trái của một con người (chân biển, chân nông). May thay, trong bối cảnh này, huyện đảo Lý Sơn vẫn sở hữu những tài nguyên du lịch độc đáo bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đủ để từng bước biến Lý Sơn thành một thiên đường du lịch giữa đại dương.
Khoảng năm, bảy năm về trước, những làn sóng du khách đầu tiên đến với Lý Sơn chắc chắn chưa phải là sự mê hoặc lòng người của những kỳ sơn dị hải hay sự bí ẩn của những di chỉ khảo cổ còn nằm sâu trong lòng đất. Lúc ấy, phần đông đến với Lý Sơn để thể hiện tình cảm yêu nước của mình trước cảnh biển đảo tiền tiêu của tổ quốc bị những cơn sóng dữ hăm he đe dọa cộng thêm chút tò mò của con người về một chốn xa xôi, biệt lập với đất liền. Nhưng rồi, dần dần những năm gần đây, du khách đến với Lý Sơn không chỉ bởi chút tò mò ban sơ hay nặng lòng với biển đảo quê hương (dù những tình cảm trân quý ấy vẫn còn đó), mà du khách thực sự bị chinh phục bởi những Thới Lới, Giếng Tiền hay hòn Sỏi hòn Vung, mà những giai thoại về chúng cuốn hút, đắm say lòng người tợ hồ như những câu chuyện về Nàng Bạch Tuyết hay Công chúa ngủ trong rừng. Đó còn là một Lý Sơn mười cây số vuông nhưng chứa đựng cả một phức hệ sinh thái-văn hóa tạo nên một dòng chảy đầy đủ của nền văn hóa Sa Huỳnh; một Lý Sơn với những cơ man nào là di tích, di sản không chỉ có nét tưng bừng hứng khởi của Lễ hội đua thuyền Tứ Linh mà còn có sự trang nghiêm tĩnh lặng sâu thẳm trong tâm thức người dân về Khao lề thế lính Hoàng Sa.
Tuy nhiên, dù đã có những nét khởi sắc ấn tượng trong vài ba năm trở lại đây, du lịch Lý Sơn cũng chỉ trong giai đoạn tự phát, sơ khai, việc khai thác và phát triển cơ bản vẫn còn manh mún, thiếu sự dẫn dắt và thiếu tính chuyên nghiệp. Điều này dễ hiểu bởi dù có là ngọc thì cũng phải mài mới sáng (Ngọc bất trác bất thành khí). Bởi vậy, Lý Sơn cần lắm một chiến lược tổng thể, bền vững: Phát triển kinh tế lấy du lịch làm trung tâm.
Thế nào là kinh tế lấy du lịch làm trung tâm?
Theo đúng nghĩa của từ ngữ, lấy du lịch làm trung tâm nghĩa là hầu như trong quá trình hoạch định chủ trương, ban hành chính sách, triển khai thực hiện, toàn hệ thống chính trị cũng như người dân trên đảo làm gì cũng nghĩ đến và hướng đến việc phục vụ du khách từ việc nhỏ nhất đến những việc lớn nhất, từ những công việc đời thường đến những yếu sự tâm linh.
Bắt đầu từ văn hóa con người. Đó là cách đối nhân, xử thế. Người Lý Sơn nổi tiếng về sự chân tình, chất phác. Đó là một di sản quý, nhưng chưa đủ. Để thể hiện tinh thần hiếu khách của mình, bên cạnh lòng chân thành bất biến của mình, vẫn cần lắm những kỹ năng giao tiếp, những lời ăn tiếng nói, bắt đầu từ câu chào. Cổ nhân dạy, lời chào cao hơn mâm cỗ. Lòng mình quý khách lắm, nhưng khách đến mình không biết cách chào hỏi, không có khả năng giao tiếp chắc chắn sẽ làm cho khách phân vân trong lòng. Mộc mạc, chân thành là rất quí, nhưng cộc cằn quá cũng khó làm người khác vui, càng khó làm hài lòng du khách. Ông cha ta chẳng từng đã dạy: Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Vẫn chuyện đối nhân xử thế, chuyện hành vi của con người. Làm sao hình ảnh của Lý Sơn có thể tốt đẹp trong con mắt của du khách khi tàu vừa cập cảng là cảnh chen lấn, xô đẩy, người xe, hàng hóa ngổn ngang, bát nháo. Làm sao có thể vui lòng khách đến khi đón họ trên bến cảng và dọc suốt con đường lên đảo là những lời chèo kéo của những chủ phương tiện, chủ nhà hàng hay khách sạn trong một cuộc cạnh tranh thiếu vắng nét văn minh. Làm sao có thể vừa lòng khách đi khi khắp nơi trên đảo chỗ nào cũng chai lọ, bao bì, túi, giấy, ai cũng có thể tùy tiện ném ra ngoài đường từ mẩu thuốc lá đến miếng giấy bọc đồ ăn sáng; làm sao có thể hài lòng khi đi đâu cũng thấy cảnh cát đất đổ bỏ ngổn ngang trên những tuyến đường, nhà nào cũng sẵn sàng xả nước thải, nước bẩn ra đường.
Từ góc độ sinh kế, lấy du lịch làm trung tâm không có nghĩa là bà con nông dân bỏ hoang ruộng vườn không canh tác nữa, càng không có nghĩa là bà con giã từ cây hành, cây tỏi. Trái lại, bà con vẫn chăm lo cho mảnh vườn khoảng ruộng của mình, thậm chí kỹ lương hơn, nhưng với một tâm thế mới, một cách ứng xử mới. Thay vì mình chỉ coi cây hành củ tỏi là nông sản, là gia vị tăng thêm vị ngon cho chén mắm trên mâm cơm, giờ đây nhất thiết bà con nông dân cần phải xem từng cân hành, kí tỏi là những đặc sản riêng có của Lý Sơn, gửi gắm cả tình thương quê nhà, tích tụ những tinh hoa của đất trời biển đảo, là món quà mà bất kỳ du khách nào cũng hứng khởi mua tặng bạn bè và người thân mỗi lần có dịp đặt chân lên đảo. Dĩ nhiên, để làm được như vậy, bà con nông dân phải từng bước thay đổi tập quán canh tác, không đào đắp đất cát tùy tiện, hạn chế phân hóa học, thuốc trừ sâu, tiến tới canh tác hữu cơ hoàn toàn. Thay vì chạy theo sản lượng bằng mọi giá, hãy tập trung vào giá trị của từng củ hành, nhánh tỏi: Giá trị cho du khách trải nghiệm phương thức canh tác trên đồng, giá trị quà tặng sản phẩm, giá trị thương hiệu gửi gắm niềm tin, v.v… Biến củ tỏi với tư cách là gia vị, thực phẩm thành sản phẩm quà tặng cho du khách chính là làm nông mà lấy du lịch làm trung tâm vậy.
Tương tự như vậy, sẽ hoàn toàn không phải là câu chuyện hoang đường nếu một ngày kia, bà con ngư dân trên đảo thay vì chỉ biết bắt cá để bán sẽ biết nuôi cá để cho du khách tham quan và cho cá ăn. Từ đánh bắt khai thác đến nuôi trồng bảo tồn chính là bước phát triển bền vững. Thay vì rẽ sóng ra khơi đối mặt với muôn vàn rủi ro, thách thức (kể cả tánh mạng) để đánh bắt trên các ngư trường ngày một cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, ngư dân có thể hàng ngày dong thuyền chở khách đi xem và cho cá ăn trong khu bảo tồn biển. Đó chính là ngư nghiệp lấy du lịch làm trung tâm.
Nhìn từ phương diện khác tế nhị hơn, việc biến Lý Sơn thành đảo du lịch khả dĩ vấp phải một thách thức tâm linh lớn. Người dân Lý Sơn bao đời qua đã hình thành nên một thói quen chôn cất người thân khi qua đời trên các sườn núi, mảnh vườn, khoảnh đất của mình. Thói quen tưởng chừng như vô hại này để lại một hệ quả là khắp nơi trên đảo, đi đâu người ta cũng thấy đập vào mắt những ngôi mộ được xây cất dọc ngang, không kém phần tùy tiện, tựa hồ như đan xen vào cả các khu dân cư trên đảo. Giả sử như bỏ qua cảm giác "rờn rợn" của bất kỳ du khách hay người lạ nào đến đảo mỗi khi trong lúc dạo chơi lại mục sở thị một ngôi nhà cho người chết như trong "Liêu trai chí dị", thì các thế hệ người dân trên đảo cũng không thể nhắm mắt làm ngơ về tình trạng vệ sinh nguồn nước ngầm nếu tình trạng chôn cất vẫn tiếp diễn như lâu nay. Vì lẽ đó, việc cải táng và quy tập mồ mả trong thời gian trước mắt và chuyển đổi sang hình thức hỏa táng trong tương lai là hướng đi không có sự lựa chọn nào khác. Đây là yêu cầu bức bách của thực tế; sự bức bách này còn tăng lên khi ta định hướng phát triển du lịch.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, để phát triển kinh tế lấy du lịch làm trung tâm, nhất thiết Lý Sơn phải có quy hoạch phù hợp và một nhà đầu tư xứng tầm. Quy hoạch phù hợp thì hiển nhiên rồi. Không kỹ lưỡng sao được khi cả đảo chỉ có vỏn vẹn mười cây số vuông, mà dân cư thì vượt trên hai mươi ngàn: Một mật độ cao ngất. Đất chật, người đông thì không những phải cẩn trọng từng xăng-ti-mét, mà việc nghiên cứu lấn biển, mở rộng đảo một cách khoa học, hợp lý cũng phải tính đến. Về quy hoạch, không quá khó để có một bản quy hoạch tương đối hợp lý cho đảo, song thực hiện đúng qui hoạch còn khó hơn. Nó không chỉ đòi hỏi sự quản lý hiệu quả của Nhà nước mà còn đòi hỏi sự hợp tác, tuân thủ triệt để của người dân.
Có quy hoạch rồi, Lý Sơn cần nhà đầu tư. Một nhà đầu tư xứng tầm. Nhà đầu tư xứng tầm là nhà đầu tư có đủ uy tín và nội lực để thực hiện đầu tư tạo ra những giá trị mới: Một mặt nâng cao giá trị các tài nguyên du lịch hiện có, mặt khác tạo ra các tài nguyên du lịch hoàn toàn mới. Lý Sơn nhất thiết nói không với những ý tưởng đầu tư manh mún, trục lợi nhanh, trước mắt nhờ vào việc bán tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên đất. Lý Sơn cũng không khuyến khích những nhà đầu tư trực tiếp cạnh tranh với những phân khúc dịch vụ mà người dân trên đảo đã và đang làm tương đối ổn như các loại hình homestay, nhà nghỉ, khách sạn mi-ni hay nhà hàng, quán ăn nhỏ, v.v… Có thể thế hệ này chúng ta chưa đủ duyên để kêu gọi một nhà đầu tư xứng tầm, hãy để các thế hệ sau thực hiện; chúng ta nhất thiết không bị cuốn vào những lợi ích nhỏ lẻ, manh mún cơ hồ có thể phá nát tương lai của đảo.
Sẽ không thể đi đúng hướng nếu chưa nhìn thấy con đường. Đã nhìn thấy con đường mà không chịu đi vì ngại gian nan, thách thức ở phía trước hay sợ mất những cái lợi trước mắt hoặc không vượt qua những cám dỗ ven đường thì kết quả cũng không khác gì chưa nhìn thấy con đường, có khi còn tệ hại hợn. Con đường của huyện đảo Lý Sơn là phát triển kinh tế lấy du lịch làm trung tâm, trở thành hạt nhân cho phát triển du lịch toàn tỉnh. Con đường đó phải do Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Lý Sơn tự đi trên đôi chân của mình.
Nguyễn Minh Trí, TUV, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn