Nâng cao ý thức, trách nhiệm, khai thác thuỷ sản bền vững ở Lý Sơn
Có thể thấy thời gian qua, các chủ tàu cá ở Lý Sơn đã chủ động chuyển đổi loại hình, ngành nghề khai thác, tránh các nghề khai thác cấm, có tính tận diệt, huỷ diệt, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nguồn thức ăn và đặc tính sinh sản của các loài sinh vật biển. Thay vào đó là những nghề khai thác gắn với bảo vệ, đảm bảo sự hài hoà với môi trường và nguồn lợi tự nhiên.
Các chủ tàu cá ở Lý Sơn cũng từng bước cải hoán phương tiện, nâng cao năng lực, hoạt động tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu suất khai thác. Đặc biệt một số tàu cá khai thác ở ngư trường xa bờ đã lắp đặt thiết bị định vị và giám sát hành trình. Nhờ đó, các chủ tàu nắm bắt được hải trình, lưu vết những địa điểm đã thả lưới đánh bắt; giúp cơ quan chức năng kiểm soát được hoạt động của tàu, đồng thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi tàu cá gặp sự cố trên biển.
Cùng với các hoạt động trên, Nghiệp đoàn Nghề cá ( An Vĩnh và An Hải) đã hỗ trợ với các đơn vị chức năng đẩy nhanh việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cấp chứng nhận an toàn thực phẩm và cập nhật dữ liệu tàu cá trên Vnfishbase. Đây là một trong những cảnh báo quan trọng của EC mà huyện Lý Sợn cũng như các địa phương có biển khác cần phải triển khai hiệu quả để đảm bảo không vi phạm IUU.
Theo ông Huỳnh Công Trí, Phó trưởng Phòng KT&THNT huyện, nhờ những nỗ lực đáng ghi nhận của Nghiệp đoàn Nghề cá, hiện nay tình trạng tàu cá trên địa bàn huyện vi phạm IUU đang được khắc phục một cách triệt để. Tỷ lệ tàu cá đảm bảo quy định đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cấp chứng nhận an toàn thực phẩm và được cập nhật dữ liệu trên Vnfishbase đã tăng hơn so với trước; những trường hợp tàu cá mất kết nối hoặc khai thác sai vùng tuyến được hạn chế tối đa, số trường hợp vi phạm chủ yếu rơi vào những trường hợp thiết bị trên tàu cá gặp sự cố…
Mặc dù chủ động và rất nỗ lực để khai thác thuỷ sản bền vững, tránh vi phạm IUU, tuy nhiên phần lớn chủ tàu cá trên địa bàn huyện à cũng gặp không ít khó khăn. Lý do bởi số lượng tàu cá hành nghề lớn, bao gồm cả tàu cá đến từ các địa phương khác trong tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước, trong khi vùng ngư trường có hạn. Cùng với đó, một số tàu cá của địa phương vốn trước đây thiết kế công suất để khai thác vùng ven đảo, nay theo quy định mới (chiếu theo chiều dài tàu thay vì công suất) các tàu này chuyển sang khai thác vùng biển xa nên năng lực yếu, chưa thực sự đủ điều kiện để vươn khơi. Những khó khăn đối với nghề cá Lý Sơn rất cần được các cấp chức năng hỗ trợ, tháo gỡ, qua đó đảm bảo đời sống cho ngư dân, giúp ngư dân bám biển, khai thác thuỷ hải sản theo hướng bền vững, hợp pháp; khai thác gắn với bảo vệ và phát triển./.
Văn Mịnh